Trích trên báo Hà Tây .
Bao giờ công trình Trường THPT Nguyễn Huệ hoàn thành?
Hiện tại, giai đoạn III dự án Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (mới) với mức kinh phí dự toán hơn 100 tỷ đồng nhưng vẫn chưa được phê duyệt.
Công trình Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, nằm trên địa bàn phường Hà Cầu và xã Văn Khê (TP Hà Đông) là công trình trọng điểm của tỉnh, công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV. Tuy nhiên, đến nay, đã qua hơn 4 năm kể từ khi có quyết định đầu tư, công trình vẫn chưa thể đưa vào sử dụng.
Năm học 2007-2008, Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ có 54 lớp, với tổng số 2.042 học sinh của 3 khối 10, 11, 12. Số cán bộ, giáo viên, nhân viên là 137 người. Khuôn viên hiện tại của trường có diện tích 1ha. Với đặc điểm là trường chuyên của tỉnh, nên số học sinh từ các huyện, thành phố theo học tại trường rất đông. Hiện tại, trong số học sinh của Trường, chỉ có 20% là con em trên địa bàn thành phố Hà Đông, còn lại là ở các địa phương khác đến. Do vậy, nhu cầu ở nội trú trong trường rất lớn. Hiện tại, trường có 1 khu nội trú, nhưng chỉ giải quyết được cho 200 học sinh, nghĩa là mới đáp ứng được hơn 10% số học sinh có nhu cầu.
Hiện tại, số phòng học cũng không đáp ứng được nhu cầu. Trường có 29 phòng học, 4 phòng tin học, 3 phòng thí nghiệm, 1 phòng thư viện, 2 nhà tập thể dục thể thao, 3 phòng thí nghiệm lý, hóa, sinh, hiện nay diện tích rất chật hẹp, không đảm bảo yêu cầu cho học sinh học thực hành.
Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và các sở, ngành chức năng, Trường THPT Nguyễn Huệ đã được UBND tỉnh quyết định cho xây dựng trường mới tại địa điểm mới thuộc cánh đồng trũng Ba La của phường Hà Cầu và xã Văn Khê, có diện tích 5,5ha, đáp ứng với yêu cầu của một trường chuyên, đạt chuẩn quốc gia.
Được biết, cho tới nay, công trình Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ đã 2 lần thay đổi chủ đầu tư. Theo Quyết định số 03 ngày 2-1-2004 của UBND tỉnh, thì chủ đầu tư giai đoạn I là Hiệu trưởng nhà trường. Tuy nhiên, ngày 13-4-2005, chủ đầu tư của dự án được chuyển giao cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng giao thông vận tải, xây dựng dân dụng. Ban quản lý tiếp tục làm chủ đầu tư ở giai đoạn II của dự án.
Nhưng, do các Ban quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, theo quyết định của UBND tỉnh, lại sáp nhập vào các ngành chức năng, nên ngày 1-2-2008, UBND tỉnh có Văn bản số 579 giao nhiệm vụ chủ đầu tư xây dựng giai đoạn III cho Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ. Vậy là, sau một vòng, cuối cùng công trình xây dựng Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ lại trở về với chủ đầu tư lúc ban đầu.
Đã hơn 4 năm trôi qua kể từ khi có quyết định đầu tư, công trình Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ tuy đã đi gần hết giai đoạn II, hoàn thành một số hạng mục, nhưng vẫn chưa thể đưa vào sử dụng.
Tại các cuộc tiếp xúc cử tri với Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị Hà Đông, cử tri đã vài lần kiến nghị về sự chậm trễ, kéo dài của công trình và đề nghị sớm đưa công trình vào sử dụng. Trước những ý kiến, kiến nghị của cử tri, trong năm 2007, Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị Hà Đông đã 2 lần tổ chức giám sát tiến độ thực hiện dự án Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ; tháng 3-2008 vừa qua, đã tiến hành tái giám sát tiến độ thực hiện công trình.
Theo báo cáo của Ban quản lý, kinh phí của 2 giai đoạn là do ngân sách tỉnh cấp; tổng mức đầu tư là 54,123 tỷ đồng, trong đó giai đoạn I là hơn 30 tỷ đồng, giai đoạn II là hơn 23 tỷ đồng. Theo hợp đồng chính đã ký kết, thời gian hoàn thành giai đoạn II sẽ vào giữa tháng 5-2008.
Tại thời điểm tái giám sát, giai đoạn I và giai đoạn II đã cơ bản hoàn thành; trong đó, giai đoạn I bao gồm các hạng mục: GPMB, kè đá, tường rào, san nền, nhà lớp học 4 tầng số 1A, nhà hiệu bộ 3 tầng. Giai đoạn II gồm các hạng mục: Nhà lớp học 1B, nhà nội trú, nhà ăn đã cơ bản hoàn thành; sân thể thao, sân bê tông đang triển khai thi công; đang triển khai lựa chọn nhà thầu mua sắm thiết bị (bàn thế, bàn ăn, giường nội trú). Ban quản lý và đơn vị xây dựng khẳng định sẽ bàn giao 2 giai đoạn của công trình cho đơn vị sử dụng vào tháng 6-2008.
Giai đoạn III của dự án, Trường Nguyễn Huệ được giao làm chủ đầu tư. Nhà trường đã lập xong dự án đầu tư, trình các ngành chức năng xem xét. Theo báo cáo, dự án đầu tư giai đoạn III có tổng kinh phí dự toán lên đến gần 109 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục: 2 nhà lớp học cao tầng, 1 nhà lớp học bộ môn 3 tầng; nhà hội trường + thư viện + gara 4 tầng; nhà nội trú 5 tầng; nhà tập đa năng; nhà khách, nhà cầu; bể bơi... Dự kiến sẽ hoàn thành giai đoạn III vào tháng 9-2009, kịp phục vụ năm học 2009-2010. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, dự án vẫn chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Qua giám sát, thấy rằng, do sự phối hợp không chặt chẽ trong quá trình thực hiện dự án giữa Ban quản lý và đơn vị sử dụng là nhà trường, nên đã xảy ra tình trạng, nhà lớp học xây xong, nhưng không phù hợp với yêu cầu thực tế của nhà trường. Hiện nay, các phòng học diện tích quá nhỏ, chỉ vừa với những lớp hệ chuyên (khoảng 28 học sinh), còn đối với những lớp đại trà (45 em) là quá chật. Nhà ăn thiết kế chưa hợp lý, không có chỗ để bếp. Hết giai đoạn II, nhưng các phòng thí nghiệm, phòng học bộ môn, hội trường, thư viện, nhà tập đa năng... những điều kiện tối thiểu để phục vụ công tác giảng dạy và học tập của nhà trường đều chưa có.
Lãnh đạo nhà trường cho biết, việc chuyển nhà trường tới địa điểm mới ngay năm học 2008-2009 là chưa thể được. Bởi hiện nay còn thiếu các phòng thí nghiệm, phòng học bộ môn. Đây là các phòng chuyên dùng cho học thí nghiệm các môn lý, hóa, sinh, do vậy cần có đường dẫn hệ thống nước. Nếu sửa chữa phòng học bình thường thành phòng học bộ môn, thì sẽ trở nên chắp vá, hơn nữa, diện tích phòng học cũng quá nhỏ so với yêu cầu của một phòng học bộ môn. Ngoài ra, nếu chuyển nhà trường về địa điểm mới, trong khi giai đoạn III đang xây dựng, thì các yếu tố về vệ sinh môi trường, tiếng ồn sẽ không đảm bảo. Và liệu có đảm bảo được an toàn cho thầy giáo và học sinh hay không? Đó là vấn đề mà nhà trường lo ngại nhất.
Sau giám sát, Tổ đại biểu HĐND tỉnh đã có kiến nghị với UBND tỉnh tập trung đầu tư kinh phí xây dựng dứt điểm giai đoạn III của trường vào cuối năm 2008 để trường sớm được hoàn thiện và đưa vào sử dụng, phục vụ năm học 2009-2010.
Rõ ràng, do cơ chế quản lý còn yếu kém, việc chuyển đổi chủ đầu tư, quy hoạch không đồng bộ, không có quy hoạch tổng thể ngay từ ban đầu, việc đầu tư còn dàn trải theo từng giai đoạn - là những yếu tố dẫn đến công trình Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ chậm đưa vào sử dụng.
Giai đoạn I và II, với tổng kinh phí hơn 54 tỷ đồng, việc xây dựng đã hết 3 năm kể từ khi bàn giao mặt bằng vào tháng 6-2005. Vậy giai đoạn III (hiện tại vẫn chưa được phê duyệt dự án) có mức kinh phí dự toán là hơn 100 tỷ đồng - thì đến bao giờ mới hoàn thành? Liệu bao giờ Trường THPT Nguyễn Huệ mới được đưa vào sử dụng, để tránh lãng phí tiền đầu tư của Nhà nước và nhân dân?